Chỉ số ROS đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. ROS là chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá sức mạnh tài chính của doanh nghiệp.
Trong nội dung bài viết này, Phân tích tài chính đưa ra định nghĩa chính xác chỉ số ROS là gì, cách tính ROS và cách sử dụng ROS để phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp
1. Chỉ số ROS là gì?
Để biết được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ, một chỉ tiêu rất quan trọng đó là ROS
Chỉ số ROS (tiếng Anh là Return On Sales – tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu) – thể hiện 1 đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ sẽ tạo ra ra bao nhiêu đồng lợi nhuận (lợi nhuận sau thuế).
Ý nghĩa ROS: Chỉ tiêu ROS cho biết một đơn vị doanh thu đem lại mấy đơn vị lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chỉ số này càng cao thì hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp càng tốt.
Công thức tính ROS:
ROS = Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần x 100%
Trong đó:
Lợi nhuận sau thuế và Doanh thu thuần lấy ở báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công thức tính doanh thu thuần:
Doanh thu thuần = Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ – Giảm trừ doanh thu
2. Hướng dẫn đọc chỉ tiêu ROS – Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?
Nếu doanh nghiệp có chỉ số ROS dương (+), tức doanh nghiệp làm ăn có lãi (lợi nhuận sau thuế >0). Đặc biệt nếu ROS càng lớn thì càng thể hiện công ty đang hoạt động tốt.
Nếu doanh nghiệp có chỉ số ROS âm (-), cho thấy doanh nghiệp làm ăn thua lỗ (lợi nhuận sau thuế <0).
Vì vậy, để đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp thì phải nhìn vào chỉ số ROS.
ROS càng cao thì cho thấy khả năng sinh lời của doanh thu càng lớn (hay nói cách khác 1 đồng doanh thu càng tạo ra nhiều đồng lợi nhuận)
Mặt khác, khi ROS tăng sẽ chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả chi phí, trong đó có chi phí được tạo ra từ tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, khi phân tích ROS cần phải kết hợp phân tích các chỉ tiêu nghiên cứu về khả năng sinh lời của doanh nghiệp khác đó là ROE, ROA.
Để đánh giá được xu hướng của chỉ số ROS của doanh nghiệp tốt thì cần phân tích trong khoảng thời gian đủ dài (so sánh các kỳ với nhau, từ 3 đến 5 năm), cũng như so sánh với ROS của trung bình ngành, so sánh với chỉ tiêu ROS kế hoạch của doanh nghiệp.
Mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có thước đo của ROS khác nhau (Các ngành dịch vụ thường có ROS lớn hơn các ngành nghề sản xuất, xây dựng, thương mại.) Chúng ta chỉ có thể đánh giá qua chỉ số tốt hơn mức trung bình của ngành.
Nếu đánh giá chỉ số ROS độc lập thì ROS > 10% ⇒ Công ty vững mạnh.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào chiến lược của công ty: Khi thấy ROS âm, chúng ta luôn mặc định là công ty làm ăn thua lỗ và đó thường là điều không tốt nhưng có nhiều trường hợp ngoại lệ do chiến lược của doanh nghiệp.
3. Ví dụ phân tích ROS
Dựa vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty A, tính được chỉ tiêu ROS của công ty năm trước là 6%, năm nay là 8% và ROS trung bình ngành là 10%.
Điều này cho thấy, ROS của công ty tăng so với kỳ trước, cho thấy khả năng sinh lời của Doanh thu tăng hay nói cách khác, một đồng doanh thu năm nay tạo ra nhiều đồng lợi nhuận hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu trung bình ngành thì ROS của công ty đang thấp hơn, cho thấy công ty tạo ra lợi nhuận từ doanh thu ít hơn mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong ngành. Cũng như phản ánh việc doanh nghiệp quản lý chi phí không hiệu quả bằng các doanh nghiệp này.
4. Mối quan hệ giữa chỉ số ROS ROA và ROE
Như đã phân tích ở trên, để đánh giá được hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta cần kết hợp với việc đánh giá các chỉ số ROE và ROA.
Các chỉ số ROS, ROE và ROA có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
ROA là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, thể hiện mối quan hệ giữa mức sinh lợi của công ty so với chính tài sản của nó. Dựa vào chỉ số ROA chúng ta có thể biết được hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản để thu lợi nhuận.
ROE là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hay còn gọi tắt là lợi nhuận trên vốn. Chỉ số ROE thể hiện mức độ hiệu quả sử dụng vốn của một doanh nghiệp.
Chỉ số ROS, ROA, ROE đều là các chỉ số được sử dụng để đánh giá xem công ty có đang hoạt động hiệu quả hay là không. Trong đó ROS được tính dựa trên hoạt động kinh doanh còn ROE và ROA sẽ được lấy từ bảng cân đối kế toán. Những chỉ số này có mối quan hệ tương đồng về mặt xu hướng đối với nhau.
Bên cạnh đó, ROS và vòng quay tài sản thường sẽ có xu hướng trái ngược nhau. Vì thế khi đánh giá tỷ số ROS người ta thường tìm hiểu nó kết hợp cùng với vòng quay tài sản.
Công thức tính của các chỉ số:
Mối quan hệ giữa chỉ số ROS – ROA – ROE
Dựa vào công thức này ta có thể thấy được nếu vòng quay tài sản không đổi, tỉ số ROS tăng sẽ giúp cho ROA tăng tương ứng. Khi đó nhận xét được doanh nghiệp quản lý tốt chi phí trong kỳ.
Còn nếu như ROS giảm thì tỷ số ROA cũng giảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp quản lý chi phí chưa đạt hiệu quả.
Nguồn: sưu tầm